HÀNH VÔ HÀNH. Hành là gì? Tại sao nói Hành Vô Hành.
Định nghĩa: Hành là quá trình tương tác với vạn vật, sự việc, hiện tượng sinh khởi suy nghĩ (nội hành) đến hành động (ngoại hành) và kết thúc hành động.
Tức là khi ta gián tiếp tương tác thông qua sự quan sát, hoặc ta trực tiếp tương tác với vạn vật, sự việc, hiện tượng sau đó ta sinh khởi suy nghĩ tức là hình thành quá trình nội hành và chuyển hóa thành hành động cụ thể tức là kết thúc bằng ngoại hành.
Hành còn được gọi là quá trình sản sinh hạt năng lượng, hay đó cũng chính là quá trình sản sinh, phân tách hạt năng lượng trong cơ chế sản sinh, phân tách, chụp chiếu hạt năng lượng.
Hành chính là bước cuối của việc áp dụng bát không chân kinh và hai chân lý vào cụ thể từng giả tướng hay chính là từng khổ đau mà ta đang gặp phải, đang đối mặt.
Nếu ta chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ mà không chuyển hóa nó thành hành động cụ thể tức là hành không xảy ra thì cũng chỉ là vô nghĩa, là lý thuyết hay cũng xem như là lời nói gió bay.
Bản chất của Hành. Trong hành có nội hành và ngoại hành
Nội hành: là quá trình sinh khởi suy nghĩ của trí tuệ và tâm sau khi tương tác với các tướng. Trong nội hành có ba loại: nội hành tích cực, nội hành thỏa hiệp và nội hành tiêu cực.Quá trình nội hành chính là quá trình sinh khởi hình thành mã sóng trí tuệ của hạt năng lượng.
Nội hành tích cực là sau khi tương tác với các giả tướng, ta sinh khởi suy nghĩ đối mặt với giả tướng đó bằng chân tâm, chấp nhận hi sinh lợi ích của mình để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho chúng sinh hay là ta đang cải tạo giả tướng đó tốt lên.
Nội hành tiêu cực thì ngược lại với nội hành tích cực, đó là khi ta tương tác với các giả tướng, ta sinh khởi suy nghĩ đối mặt với giả tướng bằng tâm chấp ngã, hay chính là trong suy nghĩ ta chỉ muốn có lợi cho mình nên tham lam, vơ vét các giả tướng có lợi đó về cho mình.
Nội hành thỏa hiệp là ta đang ở trong trạng thái 50:50 khi tương tác với các giả tướng, ta chưa biết nên phải làm gì với giả tướng, hay ta đang phân vân chờ đợi thời gian nữa xem sao. Ví dụ khi ta đi chia sẻ cho một ai đó một điều gì nhưng họ bán tín bán nghi, họ vẫn lắng nghe ta chia sẻ nhưng họ chưa vội làm theo ta, mà họ có suy nghĩ đợi thời gian xem sao hoặc cứ để vậy xem sao đã, tức là họ cũng chưa vội nghe theo ta và họ cũng chưa vội phản đối ta.
Nội hành chính là quá trình mà ta đang phân tích các giả tướng, sau khi phân tích xong trí tuệ sẽ điều khiển thân tướng hành động.
Ngoại hành: là quá trình sau khi kết thúc nội hành dẫn đến hành động và kết thúc hành động. Tức là từ suy nghĩ dẫn đến hành động và kết thúc hành động để phản ứng lại giả tướng.
Ngoại hành có hai loại: ngoại hành tích cực và ngoại hành tiêu cực.
Ngoại hành không có ngoại hành thỏa hiệp vì nếu là thỏa hiệp tức là vẫn mới dừng lại ở suy nghĩ chứ chưa chuyển qua hành động.
Ngoại hành tích cực hay còn gọi là hành động tích cực đó là quá trình hành động đem lại lợi ích cho giả tướng hay là quá trình hành động cải tạo giả tướng tốt lên.
Ngoại hành tiêu cực hay còn gọi là hành động tiêu cực đó là quá trình hành động phá hoại, gây tổn hại cho giả tướng mà mang lợi về mình.
Sau khi kết thúc hành động sẽ tạo ra hạt năng lượng nếu hành động tích cực sẽ sản sinh ra hạt năng lượng mang đặc tính dương. Nếu hành động tiêu cực sẽ sản sinh ra hạt năng lượng mang đặc tính âm.
Nội hành tích cực có thể chuyển hóa thành hành động tích cực nhưng cũng có thể chuyển hóa thành hành động tiêu cực. Ngược lại nội hành tiêu cực cũng có thể chuyển hóa thành hành động tiêu cực, nhưng cũng có thể chuyển hóa thành hành động tích cực.
Nội hành thỏa hiệp sẽ không có hành động mà nó sẽ phải chuyển hóa thành nội hành tiêu cực hay tích cực thì mới chuyển sang hành động. Nội hành thỏa hiệp mà không chuyển sang nội hành tích cực hay tiêu cực thì sẽ bị hoại diệt luôn, hạt năng lượng cũng không được hình thành.
Chữ Vô trong Hành Vô Hành là gì? Chữ Vô chính là chân lý vạn vật của hành. Hành không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, hành do duyên sinh cũng do duyên diệt. Tức là hành sinh ra do quá trình tương tác với các giả tướng mà sinh khởi ra hành, sau khi hành kết thúc thì hành cũng hoại diệt.
Ví dụ ta đi ra đường ta gặp một cụ già muốn đi qua đường, ta nhìn thấy cụ đi một mình không có ai đi cùng nên ta khởi lên suy nghĩ muốn giúp đỡ cụ qua đường, đó chính là nội hành tích cực, sau đó ta quyết định đi đến dẫn cụ sang đường đó là từ nội hành tích cực chuyển hóa thành hành động tích cực. Như vậy do duyên mà ta ra đường gặp cụ già tức là hành do duyên mà hình thành, sau đó ta ta hành động dẫn cụ sang đường thì sau khi kết thúc hành động thì hành cũng hoại diệt.
Chữ Hành thứ hai là chân lý giác ngộ của hành. Hành cũng khổ mà không hành cũng khổ, thôi thì tất cả chúng sinh về chân tâm đối mặt với hành hoặc không hành để đem lại niềm vui hạnh phúc cho chúng sinh trời người.
Tức là dù có hành cũng khổ hoặc không hành cũng khổ, nên ta cho lên bàn cân nếu hành đó đem lại niềm vui hạnh phúc cho chúng sinh thì ta nên hành, còn nếu không hành mà đem lại niềm vui hạnh phúc cho chúng sinh thì ta không hành.
Ví dụ ta tạo được doanh nghiệp cũng khổ, nhưng doanh nghiệp đó đem lại công việc tốt cho nhiều người và phát triển xã hội thì ta nên hành để có doanh nghiệp đó.
Nếu ta hành động buôn bán ma túy mà hại nhiều người thì ta không nên hành.
Sưu tầm và biên soạn theo nguồn "Bát không chân kinh".